Từ đầu mùa nước đổ đến nay, ngày nào ông Phước cũng giăng lưới dính cá to. Đặc biệt, cá sửu có con nặng gần 8 kg; cá kết, cá leo nặng hơn 2 kg ông bắt được ngay.
Tháng bảy, dòng sông Hậu đỏ ngầu phù sa, báo hiệu một mùa lũ sắp về. Đây là thời khắc giao thoa giữa 2 con nước, cá to từ thượng nguồn đổ về nên ngư gia tranh thủ bủa lưới đánh bắt. Nhìn sóng vỗ oàm oạp, ông Nguyễn Văn Phước (45 tuổi, ngụ xã Bình Mỹ, Châu Phú, An Giang) vừa bơi chiếc xuồng thả lưới, vừa cho biết hôm nay trời trở gió nam nên xuất hiện nhiều cơn sóng dữ.
Quanh năm kiếm sống trên sông nên những ngư dân như ông Phước đã quen, không còn sợ sóng to, gió lớn nữa. “Đầu mùa lũ là thời khắc làm ăn trúng mánh nhất. Vì thường thì mùa này cá lớn ở các khúc sông sâu phiêu lưu về hạ nguồn nên thả lưới rất dễ dính”, ông Phước nói và cho hay, từ đầu mùa nước đổ đến nay, ngày nào ông cũng giăng lưới dính cá to và ngon, như: cá sửu, cá ngát, cá leo, cá cóc, cá kết… Đặc biệt, cá sửu có con nặng gần 8 kg; cá kết, cá leo nặng hơn 2 kg cũng được ông Phước giăng dính luôn.
Hôm trước chứng kiến ông Phước đem con cá sửu nặng 6,1 kg lên bờ, mọi người đều ngỡ ngàng vì từ trước đến nay mới thấy con cá sửu to đến vậy. Ông Phước cho biết, khoảng một tuần sau khi dính con cá sửu 6,1 kg thì ông tiếp giăng dính thêm con cá sửu khác nặng 7,7 kg. “Vào mùa lũ những năm về trước, tôi từng giăng dính nhiều con cá sửu nặng trên 10 kg. Mỗi lần đem cá lên bờ là có khách bộ hành đến mua nguyên con”, ông Phước tự hào khoe.
Đã 30 năm sống bằng nghề giăng câu thả lưới, ông Phước biết rất rành chỗ sâu, cạn trên sông Hậu. Chỉ cần nhìn dòng nước chảy là ông có thể suy đoán được thời khắc nào, nơi nào bủa lưới bắt dính cá to. “Theo kinh nghiệm đúc kết từ ông già truyền lại, hễ nhìn thấy con nước hừng lớn hay nước rúng ròng thì đem lưới ra thả. Bởi thời điểm này, những con cá to trú ẩn dưới đáy sông sẽ ngoi lên mặt nước ngớp”, ông Phước giải thích.
Chỉ tay về khúc sông từ thị trấn Cái Dầu cho đến bến phà Năng Gù, ông Phước cả quyết: “Đoạn này có nhiều nơi uốn khúc và chảy xiết. Đặc biệt, từ bến đò Cái Dầu đổ xuống có một bùng binh rất rộng, dưới đáy sông còn một lòng chảo rộng khoảng 2.000 m2, với độ sâu trên 30 m. Hiện nơi đây có rất nhiều luồng câu, lưới của ngư gia giăng kín, ghe cào điện không dám đụng đến. Nhờ vậy, cá lớn còn trú ẩn nhiều, thậm chí cá hô to hơn trăm ký còn sống tại đây”.
Ông Phước bảo ngày trước tiên vào nghề cũng là ngày ông giăng dính được con cá hô đất nặng trên 145 kg. Hôm đó vào buổi trưa, ông mang 2 tay lưới nylon dài khoảng 300 m xuống xuồng, rồi bơi ra sông bủa xuôi dòng. Rê giàn lưới về hạ nguồn khoảng 200 m thì tay lưới bắt đầu giật mạnh, biết là dính cá lớn, ông kéo lưới lên.
“Ban đầu, cứ tưởng là con cá đã xổng mất, vì kéo lưới thấy im ru. Thế nhưng, khi kéo lên khoảng 100 m lưới thì bất ngờ con cá nổi lên và vọt mạnh làm tôi chới với. Nhưng nhờ nắm kịp chiếc be xuồng, tôi quay mành lưới ghì chặt vào tay. Sau một hồi đấu tranh, tôi tóm gọn con cá. Khi khiêng lên cân, cá nặng đến 145 kg, người dân đến xem chật cả khúc sông…”, ông Phước kể.
Cũng từ cái ngày bắt dính cá hô to đến nay, chưa lần nào ông Phước giăng dính thêm con cá hô “khủng” nào khác, mà lâu lâu chỉ dính được vài con cá hô 30-40 kg. Theo ông, tuồng như loài cá hô “khủng” trên bờ vực tuyệt chủng, chứ trước đây ở trong xóm có bà sáu Cắt (đã mất) chuyên nghề giăng lưới cá hô, mỗi năm dính khoảng 100 con cá hô nặng 30-50 kg, thậm chí có nhiều con hơn trăm ký.
“Bà sáu Cắt được xem là người đàn bà giỏi nghề giăng lưới cá hô. Mỗi lần thấy bà tóm gọn con cá hô to vào bờ, anh em tụi tôi phục sát đất. Hồi đó, dân vạn chài xem bà là nữ tướng ngư phủ”, ông Phước kể.
Theo những ngư gia, thời kì giăng dính cá thường vào tháng 10 đến tháng 11. Bước qua tháng 2, họ chạy xuồng xuống sông Vàm Nao để giăng cá bông lau, sang tháng 3 thì giăng cá thu nước ngọt. nhàng nhàng mỗi ngày, họ kiếm được khoảng 400.000 đồng, ngày nào giăng trúng, thu nhập hơn một triệu đồng.
Theo báo An Giang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét